Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2009

Tìm kiếm cầu thủ cho đội bóng đá BÁO ĐÀ NẴNG

Tìm kiếm tài năng mới cho đội bóng đá Báo Đà Nẵng.
Trong chuyến công tác tại Hà Nội gần đây, nhà báo Triệu Văn Tùng đã có dịp ghé thăm đội tuyển bóng đá Việt Nam vừa đoạt AFC cúp. Qua đây cũng để tìm kiếm tài năng cho đội bóng cơ quan...

1/ Đại diện đội bóng đá Báo Đà Nẵng đã tiếp cận với Tuyển thủ quốc gia MINH PHƯƠNG
2/ Cả Quang Thanh và Hồng Sơn cũng muốn về đầu quân cho Đà Nẵng (ảnh dưới)





3/Lại thêm Lê Công Vinh chắc chắn bóng đá Báo Đà Nẵng sẽ có thành tích tốt ở mùa giải tới

4/ Sau 2 năm thành lập đội bóng đá nhưng đội bóng đá Báo Đà Nẵng vẫn chưa đạt thành tích cao tại đấu trường khu vực báo chí miền Trung- Việt Nam. Trong ảnh: Một pha tranh bóng giữa đội Báo Đà Nẵng- Báo Thanh Niên











Về miền vương quả loòng boong


Về miền “vương quả-
Loòng boong”

Những ngày cuối thu, vào xứ Tiên Phước, Quảng Nam tôi có dịp được tận hưởng hương vị ngọt ngào của trái loòng boong và lắng nghe câu hò tâm tình, ý nhị:“Trái loòng boong trong tròn ngoài méo/Trái thầu dầu trong héo ngoài tươi / Em thương anh ít nói, ít cười/ Ôm duyên ngồi đợi chín mười con trăng”…
Truyền thuyết về cây trái boòng boong


Theo truyền thuyết dân gian kể rằng ông vua sáng nghiệp triều Nguyễn, đời vua Gia Long Nguyễn Ánh (có truyền thuyết cho rằng nhân vật ấy không phải là Nguyễn Ánh mà là chúa Nguyễn Phúc Thuần) lúc còn lận đận gầy dựng cơ nghiệp trong một lần bị nhà Tây Sơn rượt đuổi phải bỏ chạy vào vùng rừng núi hoang dã phía tây thuộc huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Đang cơn đói khát, gặp rừng loòng boong, cả quân lẫn chúa đều hái lấy trái mà ăn, cắt được cơn đói khát. Khi dựng được cơ nghiệp, vua Gia Long đã không quên hương vị thơm ngọt của thứ trái cây cứu “chúa” trong lúc nguy nan, bèn "ban" cho trái boòng boong xứ Quảng Nam cái tên đẹp là Nam Trân, tức quả quý như ngọc ở phương Nam.
Còn theo chính sử triều Nguyễn, Nam Trân được tiến vua để giỗ Tết ở Hưng miếu, và để làm đồ ngự dụng (nôm na là để vua ăn). Năm 1802, dinh Quảng Nam đã chạy trạm trái Nam Trân tiến vua. Đến năm 1805, đích thân Gia Long hạ lệnh "Vệ hạt Quảng Nam thường năm đến kỳ tháng 9 dự tính việc hái trái, chia làm 2 kỳ, đúng ngày đến kinh nộp để dâng mừng giỗ ở Hưng miếu". Triều Minh Mạng, năm 1830 quy định khá rõ ràng là mỗi kỳ trái chín phải tiến cống 6 giỏ. Suốt triều Nguyễn, mỗi triều vua đều có chỉ dụ của đương kim Hoàng đế về lệ này. Triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ đã có quy chế riêng đối với các khu rừng loòng boong. Mỗi khu vực đều có viên quan trông coi và có quyền huy động dân đinh địa phương ngày đêm thay phiên nhau canh giữ. Đến mùa trái chín, viên quan chọn lựa các chùm trái chín ngọt thơm ngon và đẹp nhất tiến về kinh để nhà vua thưởng thức. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, nay là Quảng Nam trái loòng boong tập trung nhiều tại thượng nguồn sông Vu Gia, một nhánh của sông Thu Bồn.
Lại tiếp có tương truyền khác rằng: Thời Trịnh- Nguyễn phân tranh, chúa Định Vương bị tướng Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc đánh chiếm Phú Xuân ( Huế) đã bỏ chạy vào đất Quảng Nam rồi đặt con là Hoàng Tôn Vương làm thái tử, xưng là Đông Cung để trấn giữ đất Quảng Nam. Sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại phải lánh vào rừng. Giữa lúc đói mệt thì gặp được rừng cây loòng boong, bèn hái lấy trái, dùng móng tay bấm thử trước khi ăn. Thấy trái thơm ngọt lạ lùng và nhờ đó đã cứu được cơn đói, chúa bèn đặt tên cho trái là "nam trân". Mãi cho đến ngày nay, trái loòng boong vẫn còn mang dấu bấm móng tay rất rõ ràng...
Ngược dòng lịch sử về một thời gian xa xăm hơn, thì nhà Nguyễn cũng chỉ có công phát hiện thứ trái cây này, bởi, người Chămpa cổ đã biết thưởng thức hương vị đậm đà của loòng boong, nghĩa là trước các ông vua Nguyễn hàng mấy thế kỷ. Theo thư tịch cổ, ở thế kỷ XIII, dưới triều các vua Chămpa, đẳng cấp quý tộc Brahman thường bắt cư dân vùng tây Đại Lộc, Quảng Nam (kéo dài lên đến huyện núi Nam Giang ngày nay) cống nộp loòng boong.
Hiện cũng chưa có khảo cứu nào cụ thể nào về loại trái cây loòng boong, nhưng với sự xuất hiện boòng boong Thái Lan trên thị thị trường từ tháng 6 mỗi năm đã cho thấy boòng boong không chỉ có ở Việt Nam. Tên gọi của nhà nhập khẩu thì boòng boong Thái Lan gọi là …dâu da, dâu Thái !?...
Về miền “ vương quả”
Nếu như vùng rừng núi Đại Lộc, Quảng Nam là nơi được phát hiện ra loài trái cây “ vua biết mặt, chúa biết tên ” ngày xưa thì ngày nay vùng Tiên Phước, Quảng Nam lại là vùng sản xuất chuyên canh loài trái cây này. Ông Nguyễn Chước, thôn Hội An, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước đưa chúng tôi thăm vườn cây trái boòng boong. Ông Chước đã ngoài 50 tuổi nhưng ông khẳng định khi từ nhỏ ông đã thấy có cây trái boòng boong trong vườn. Lập gia đình ông được chia…tài sản với 1.000 gốc cây boòng boong. Thế nhưng vườn boòng boong “cổ thụ” nhất và số lượng lên đến vài ngàn cây tại thôn Hội An là của gia đình ông Nguyễn Bút. Mỗi năm gia đình ông Chước thu hoạch từ 6- 7 tấn trái cây. Theo thời giá thị trường từ 15- 20.000 đồng bán tại vườn thì thu nhập trên 15 triệu đồng. Loòng boong góp phần tạo nên không gian làng nhà vườn cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Nhiều nông dân miền núi Quảng Nam trở thành triệu phú nhờ di thực loòng boong về vườn nhà. Người dân ở xã Tiên Châu cho biết boòng boong ở Tiên Phước là do người dân đã di thực loài cây hoang dã này về trồng mà gốc gác đều từ vùng Đại Lộc vào. Căn nguyên là tại các xã Tiên Phước, Tiên Cảnh có rất nhiều chi tộc họ vốn có gốc gác ở vùng đất Đại Lộc vì cuộc sống mưu sinh và cả chiến tranh loạn lạc nên di cư vào Tiên Phước. Đến vùng đất mới họ đem theo cây boòng boong vào trồng. Ở huyện Đại Lộc thì rừng loòng boong có nhiều cây ước đã hàng mấy trăm năm tuổi mọc tự nhiên bạt ngàn, bát ngát.
“ Thân phận” nổi trôi
Boòng boong xứ Quảng thấm đẫm những truyền thuyết và vinh dự làm loài cây trái một thuở “dâng Vua, tiến Chúa”. Song, loài lâm thổ đặc sản này cũng trải qua bao thăng trầm. Trước năm 1987, thời kinh tế bao cấp tập trung, trái boòng boong được đưa vào diện quản lý, khai thác và thu mua. Từ những tầng nất trong phân phối hàng hoá, cách trở trong thông thương làm cho trái boong boong “bầm dập” ít đến người tiêu dùng.
Khi đến thời đổi mới, các rừng loòng boong được thả cửa tựa như của “ chim trời, cá nước” người dân tự do khai thác, thu lợi. Những cánh rừng boòng boong ở Đại Lộc đi dần vào kiệt quệ. Những vườn boòng boong theo kinh tế hộ gia đình qua quá trình di thực về vườn nhà, trở thành loại cây góp phần xoá đói giảm nghèo cho nông dân miền núi, đem lại một nguồn thu nhập kinh tế đáng kể cho người nông dân. Tuy nhiên, người sành ăn vẫn luôn hoài nhớ đến hương vị những trái boòng boong hoang dã ngoài rừng. Mấy năm trở lại đây, Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam bắt tay vào thực hiện một chương trình khoa học ứng dụng công nghệ gene để bảo tồn và nhân giống loại "vương quả" này. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Thành ở Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước thì xu hướng chính nông dân vẫn lựa chọn nguồn loòng boong giống cây trồng từ Thái Lan
TRIỆU TÙNG

BOX:

Cách chọn trái ngon:

“ Trong việc chọn mua trái loòng boong ngon, người sành ăn chê loại lớn trái. Loại ngon phải là trái vừa vừa, không lớn mà cũng không nhỏ, chỉ to bằng ngón tay cái, da mầu vàng nhạt, núm cuống căng tròn. Khi bóc lớp vỏ ngoài, bên trong lộ ra năm múi dính chặt lấy nhau mầu trắng trong, mọng nước, thơm lừng. Và lúc cắn vào một múi, cảm thấy một dòng nước ngọt lịm ngấm dần xuống tận cổ. Trái loòng boong có nhiều tên gọi khác nhau như bòn bon, phụng quân, nam trân, dâu da...”

Danh thắng Ngũ Hành Sơn



Danh thắng Ngũ Hành Sơn:

Một điểm nhấn của đô thị Đà Nẵng




Có thể nói, tất cả các nhà quy hoạch đô thị quốc tế hay trong nước đến Đà Nẵng đều rất thích quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn và tất cả đều bày tỏ thái độ giữ gìn kiến trúc cảnh quan. Còn người Đà Nẵng thì sao?! Vẫn còn đó sự bàng quan, thờ ơ khi nơi đây đang bị quá trình đô thị hóa đe dọa từng ngày...
Giáo sư - Tiến sĩ Raymond Bakke, Chủ tịch Hiệp Hội quốc tế các đô thị lần đầu đến Đà Nẵng nhưng đã chỉ ra rằng: Tại sao không mạnh dạn xây dựng đô thị Đà Nẵng thành một đô thị văn hóa bởi nơi đây có nhiều công trình văn hóa đáng để đầu tư tôn tạo giới thiệu với bạn bè quốc tế. Nếu Hà Nội là trung tâm hành chính, thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế thì Đà Nẵng - nơi gặp gỡ của các di sản văn hóa thế giới sẽ là trung tâm văn hóa lớn'.
Trở lại với danh thắng Ngũ Hành Sơn, Giáo sư - Tiến sĩ Raymond Bakke đã cho rằng, nếu có quyền can thiệp về quy hoạch thì ông sẽ kiến nghị đầu tiên với lãnh đạo thành phố về việc bảo vệ cảnh quan kiến trúc. Trong đó, danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm nhấn của đô thị Đà Nẵng lần bảo vệ đầu tiên.Thật vậy, quần thể danh thắng Non nước - Ngũ Hành Sơn là một món quà vô cùng quý hiếm mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố. Nơi đây hội tụ đủ điều kiện để xây dựng một khu văn hóa tâm linh, văn hóa đặc thù. ''Tâm linh' không có nghĩa là thần bí, mà là nói đến yếu tố tâm hồn, tinh thần. Quần thể núi non này trở thành biểu tượng của tên đất, tên người thành phố Đà Nẵng.
Nói đến danh thắng Ngũ Hành Sơn là nói đến một quần thể núi non gắn liền với thuyết Âm dương Ngũ hành, gợi lên những giá trị văn hóa tinh thần. Năm ngọn núi ở danh thắng được đặt tên theo các yếu tố ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ với thế đứng độc lập như hòn non bộ ngay giữa lòng thành phố. Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đang đứng trước những nguy cơ tiềm ẩn của quá trình đô thị hóa, đó là bị hủy hoại do khai thác đá trong thời gian trước đây: Nơi đây đang thiếu một môi trường cây xanh bao bọc chung quanh do tốc độ xây dựng nhà ở và chính điều này biến Ngũ Hành Sơn thành những núi đá trơ trọi giữa lòng đô thị mới. Việc khai thác du lịch mà thiếu định hướng trong đầu tư, dần dần sẽ biến nơi đây thành khu vui chơi giải trí thông thường. Việc đầu tư tôn tạo danh thắng thật ra không phải là vấn đề quá khó. Cứ thử cho cơ chế đầu tư, huy động sức dân trong vùng đệm danh thắng phát triển khai thác du lịch theo hướng xã hội hóa thì chắc chắn bộ mặt danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ khang trang, đẹp lên rất nhiều.
Để quy hoạch phát triển và bảo tồn danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố cần có sự đầu tư ngay cho việc trồng rừng, kể cả vùng bao quanh danh thắng để sớm biến nơi đây thành khu rừng giữa lòng thành phố, khôi phục cảnh quan thiên nhiên hữu tình phù hợp với nét đặc thù của khu văn hóa tâm linh. Từ đây, góp phần tăng diện tích cây xanh cho thành phố. Đây là việc làm ít tốn kém và có thể làm ngay khi dân cư ở đây chưa phát triển, việc giải tỏa chưa nhiều và có thể vận dụng phương châm 'Nhà nước và nhân dân cùng làm'. Nếu để chậm, không có quy hoạch, không có chủ trương khống chế về xây dựng thì đến lúc không còn thực hiện được nữa. Vấn đề xây dựng các chùa cũng cần có sự quy hoạch và định hướng bề mặt kiến trúc. Chùa là nơi nuôi dưỡng tinh thần của người dân Việt Nam, chùa cũng làm tăng thêm vẻ cổ kính, thiêng liêng của danh thắng. Hơn nữa, ở đây đã có một lịch sử lâu đời về phát triển của chùa chiền. Vì vậy, cần có sự quy hoạch xây dựng mới các chùa cho phù hợp với quy hoạch chung và nâng cấp các con đường đi lại trong khu vực để thuận tiện cho việc đi lại tham quan vãn cảnh. Xây dựng các chùa với các mô hình gắn liền với các sự tích và truyền thuyết Ngũ Hành Sơn với 5 mô hình: Mô hình kim quy gắn với truyền thuyết ''Trứng rồng và rùa thần'. Mô hình ''Tây du ký'' tái hiện một số cảnh trong truyện Tây du ký. Mô hình Đài âm dương ngũ hành giới thiệu triết học duy vật Âm dương Ngũ Hành. Nhà bảo tàng giới thiệu quá trình đấu tranh cách mạng của địa phương và các vùng phụ cận. Nhà bảo tàng làng đá mỹ nghệ Non nước - Ngũ Hành Sơn giới thiệu lịch sử và các thành tựu của các nghệ nhân làng đá. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn được quy hoạch theo phương hướng nói trên thì trong tương lai, thành phố sẽ có một khu văn hóa đặc thù không nơi nào có và sẽ không thể có được như Đà Nẵng.
Trong thời gian qua, danh thắng Ngũ Hành Sơn do cấp quận quản lý nên năng lực tài chính đầu tư vào danh thắng còn rất hạn chế. Mỗi năm danh thắng đón trên 12 nghìn lượt du khách nhưng sự đầu tư cho danh thắng không đáng là bao. Nhiều người đã cho rằng: chúng ta đang ăn mòn danh thắng! Cơ chế Ban Quản lý danh thắng làm nhiệm vụ đơn vị hành chính sự nghiệp có thu có lẽ chưa phù hợp. Thiết nghĩ, thành phố sớm tổ chức quản lý khai thác danh thắng theo mô hình doanh nghiệp để có sự thu hút đầu tư tôn tạo mạnh mẽ hơn dựa trên quy hoạch tổng thể.
Triệu Tùng