Ngắm đầu tư vào EWEC
Với những diễn biến của thiên tai như động đất, sóng thần tại Nhật
Bản, lũ lụt tại Thái Lan và những diễn biến xấu của các nền kinh tế làm cho giới
doanh nghiệp (DN) đang đứng trước sự lựa chọn cơ cấu về đầu tư, cấu trúc lại tổ
chức quản trị. Trong bối cảnh này, Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) là điểm
ngắm đầu tư bởi nguồn tài nguyên, nhân công, nguồn lao động dồi dào và là cửa
ngõ giao thương…
DN Nhật Bản đầu tư sản xuất tại KCN Hòa Khánh. Trong ảnh: Sản xuất cần câu cá tại Công ty Daiwa. |
Báo cáo của Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật
Bản (JETRO) cho biết, DN sản xuất tại Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan...
đang có sự cạnh tranh từ các đối thủ, lương nhân công tăng. Riêng ở Trung Quốc,
lương công nhân đã tăng lên 80%. Việc tìm môi trường đầu tư mới đang được đặt
ra, nhất là các DN Nhật Bản. DN Nhật Bản đang mở nhiều cuộc xúc tiến đầu tư sang
Việt Nam trong áp lực chuyển hướng nhà máy ra nước ngoài vì rủi ro thiên tai và
chi phí lao động trong nước tăng cao. Ngoài ra, cơn lũ lịch sử ở Thái Lan đang
khiến cho nhiều DN Nhật Bản xem xét lại chiến lược đầu tư, trong đó có việc
chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam và khu vực tiểu vùng sông Mê-kông mà EWEC
là mục tiêu.
Những tháng qua, hàng loạt nhà đầu tư Nhật Bản
tại Thái Lan, trong đó có Honda, Canon, Nissan, Hitachi, Toshiba… đang ngưng sản
xuất do ảnh hưởng trận lụt lịch sử 70 năm gây ra. Theo một báo cáo của JETRO,
Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Thái Lan, một số công ty Nhật Bản
đã đánh tiếng rằng, họ có thể phải chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác nếu cơ
sở hạ tầng tại Thái Lan không được cải thiện. Thực ra, trước khi Thái Lan gặp
trận lũ thì việc đưa cơ sở sản xuất sang Việt Nam đã được các công ty Nhật Bản
tính đến trong chiến lược phát triển lâu dài. Chi phí sản xuất tại Trung Quốc
hiện đã trở nên đắt đỏ hơn. Ở trong nước thì DN Nhật Bản đối mặt với đồng yen
lên giá, chi phí lao động tăng cao, cộng với thiên tai xảy ra gần đây. Không chỉ
Việt Nam mà Lào cũng là địa điểm đầu tư đang được ưa chuộng.
Tại Đà Nẵng, Tập đoàn hợp tác kỹ thuật JFE và Tập
đoàn Nihon Suido Consultants (Nhật Bản) đến tìm hiểu hợp tác đầu tư đã đề xuất
thực hiện dự án “Xử lý nước thải tại quận Liên Chiểu và xử lý rác thải tại bãi
rác Khánh Sơn”. Tại buổi làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng, đại diện Nihon
Suido Consultants cho biết, phía Tập đoàn rất quan tâm đến vấn đề xử lý chất
thải tại Việt Nam, đặc biệt là Đà Nẵng. Ngay sau đó, cộng đồng DN vùng Kansai
Nhật Bản cũng có tiếp xúc với thành phố Đà Nẵng trong việc xúc tiến đầu tư. DN
vùng Kansai cũng là đối tác trong Diễn đàn đối thoại Kinh tế Việt Nam - Kansai
lần thứ 5. Mục tiêu của cuộc đối thoại là xúc tiến đầu tư vào khu vực miền Trung
và EWEC.
Tại Diễn đàn đối thoại Kinh tế Việt
Nam - Kansai, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đề nghị phía Nhật
Bản triển khai sớm việc xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất và đầu tư
tiếp tuyến cao tốc từ Đà Nẵng - Đông Hà (Quảng Trị), tạo thuận lợi cho việc lưu
thông hàng hóa từ Thái Lan qua cửa khẩu Mukdahan - Densavan và cửa khẩu
Savannakhet - Lao Bảo về cảng Đà Nẵng. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ vay vốn ODA của
Nhật Bản để xây dựng hầm đường bộ qua đèo Phú Gia và đèo Phước Tượng tại tỉnh
Thừa Thiên - Huế...
Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt
Nam, ông Noriaki Shutoh nhận định: Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Nhật
Bản, như phương pháp tư duy, tôn giáo… Ngoài ra, so sánh với các nước khác, Việt
Nam có nguồn lao động phong phú, chi phí nhân công rẻ. Ông Noriaki Shutoh đưa ra
dẫn chứng: Nếu thuê một kỹ sư ở Hà Nội chỉ khoảng 287 USD/tháng, còn ở Thượng
Hải (Trung Quốc) tốn hết 633 USD, ở Bangkok (Thái Lan) hết 540 USD. Vì vậy, việc
tìm kiếm cơ hội cũng như chuyển hướng đầu tư của các DN Nhật Bản vào Việt Nam và
EWEC là điều tất yếu. Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Duy Thông cho biết, để thực
hiện mục tiêu CNH-HĐH vào 2020, Việt Nam cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng
đồng bộ và phát triển. Nhiệm vụ này yêu cầu vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD hằng
năm. Việt Nam đang rất cần các nhà đầu tư Nhật Bản trong phát triển cơ sở hạ
tầng, đầu tư sản xuất, mà EWEC là khu vực trọng điểm.
Bài và ảnh: TRIỆU
TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét